Ngải cứu là một loại cây rất quen thuộc ở Việt Nam. Loại cây này mọc hoang ở nhiều nơi và thường được sử dụng như một loại rau. Tuy rằng không phải ai cũng yêu thích mùi vị của rau ngải cứu vì vị đắng của nó nhưng loại rau này thực sự lại rất tốt cho sức khỏe. Rau ngải cứu được dùng như một vị thuốc trong Đông y từ rất lâu về trước. Loại rau này tuy có vị đắng nhưng tính ấm, mùi thơm, bổ tỳ, can, thận. Ngoài việc sử dụng như một loại rau thì có một số bài thuốc từ ngải cứu với cách làm rất đơn giản mà có thể điều trị nhiều loại bệnh. Cùng tìm hiểu một số bài thuốc chữa bệnh, bồi bổ cơ thể bằng rau ngải cứu qua những chia sẻ sau đây nhé.
Vài nét về rau ngải cứu
Ngải cứu có tên gọi khác ngải diệp, thuốc cứu tuy nhiên tên gọi này phổ biến ở miền Nam hơn. Cây ngải cứu có chiều cao từ 0.4 – 1m, trong lá có tinh dầu. Ở Việt Nam, cây ngải cứu dại thường mọc nhiều ở tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang… đây chính là nguồn dược liệu được khai thác thường xuyên để sản xuất thuốc. Cây ngải cứu còn được trồng trong vườn của nhiều gia đình, thường được sử dụng tại chỗ trong nấu ăn hoặc điều trị một số bệnh lý đơn giản.
Cây ngải cứu thuộc họ cúc, thân thảo, chu kỳ sống lâu năm, lá cây mọc so le, mặt trên lá cây màu xanh đậm, mặt phía dưới có lông nhung màu trắng. Cây ngải cứu thường được thu hoạch vào khoảng tháng 6 và bộ phận được sử dụng chủ yếu là lá, có thể trồng ngải cứu bằng cách giâm cành hoặc cây con mặc dù cây có ra hoa quả và cho hạt nhưng hạt không được sử dụng để gieo trồng.
Bài thuốc dân gian từ rau ngải cứu
Bài thuốc điều hòa kinh nguyệt
Trước ngày kinh dự kiến, lấy mỗi ngày 6-12g (tối đa 20g) sắc với nước hoặc hãm với nước sôi như trà; chia làm 3 lần uống trong ngày. Có thể uống dưới dạng bột (5-10g) hay dạng cao đặc (1-4g). Nếu kinh nguyệt không đều thì hằng tháng đến ngày bắt đầu kỳ kinh và cả những ngày đang có kinh; lấy ngải cứu khô 10g, thêm 200 ml nước, sắc còn 100 ml; thêm chút đường chia uống 2 lần/ngày. Có thể uống liều gấp đôi, cũng 2 lần/ngày. Sau 1-2 ngày thấy hiệu quả, người đỡ mệt, máu kinh đỏ và ít hơn.
Bài thuốc trị cảm cúm do lạnh
Lấy 300g ngải cứu, 100g lá khuynh diệp, 100g lá bưởi( hoặc quýt, chanh) nấu trong 2 lít nước. Đun sôi 20 phút bắc xuống, xông 15 phút. Làm liên tục 2-3 ngày bệnh sẽ đỡ.
Bài thuốc an thai
Những người đang mang thai, nếu thấy có hiện tượng đau bụng, ra máu; dùng 16gr lá ngải cứu, 16gr lá tía tô, sắc cùng với 600ml nước, sắc còn 100ml, chia làm 3-4 lần uống/ngày. Bài thuốc này có tác dụng an thai.
Bài thuốc cho những người kiệt sức hay các bà mẹ đang cho con bú
Lấy 5 cành lá ngải cứu tươi (hoặc khô), rửa sạch, băm nhỏ; pha với một cốc nước sôi, uống hằng ngày sẽ mau hồi phục sức khỏe.
Trị mụn trứng cá
Để trị mụn trứng cá, bạn lấy lá ngải cứu tươi giã nát, đắp lên mặt; để khoảng 20 phút, rồi rửa lại mặt, làm liên tục sẽ cho làn da mịn màng và trắng hồng.
Trị mẩn ngứa, ghẻ lở, rôm sảy ở trẻ
Với những trẻ nhỏ thường hay bị rôm sảy, xay nát lá ngải cứu; lọc lấy nước cốt rồi hòa vào nước tắm của trẻ. Làm liên tục trong vài ngày, các nốt ngứa sẽ lặn.
Điều trị suy nhược cơ thể
Lấy 250g ngải cứu, 2 quả lê, 20g cây kỷ tử, 10g đương quy, 1 con gà ác 350g, hầm trong 0,5 lít nước còn 250ml. Sau đó, chia làm 5 phần, ăn cả ngày. Làm liên tục 2-3 ngày bệnh sẽ đỡ.
Trị đau lưng bằng rau ngải cứu
Theo Đông y, bạn có thể điều trị đau lưng do gai cột sống bằng cách sử dụng 250g ngải cứu tươi; 150ml dấm gạo cùng vài miếng vải mỏng, mềm. Lấy ngải cứu đi rửa sạch, giã nát và trộn với giấm đã đun nóng. Đem xoa dọc theo xương sống chừng 15 phút, trong quá trình xoa nên hâm nóng thuốc thường xuyên. Nên thực hiện vào buổi tối trước khi đi ngủ. Mỗi liệu trình điều trị trong vòng 15 ngày và thực hiện liên tục từ 3-5 tháng. Tiếp tục theo dõi chúng tôi để nhận thêm nhiều thông tin hấp dẫn nhé.